Cảm nhận về bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm
Bài làm
Nguyễn Bình Khiêm là một tác gia vô cùng nổi tiếng của nền văn chương thời kỳ trung đại của nước ta. Không chỉ tài thơ, hay chữ mà ông còn là người thông minh, giàu bản lĩnh. Sự nghiệp sáng tác của ông không quá đồ sộ nhưng những gì ông để lại cho hậu thế lại mang giá trị tinh thần, giá trị văn học, văn hóa vô cùng to lớn.
Nguyễn Bình Khiêm sinh ra trong một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử dân tộc khi nội chiến trong triều đình diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Các thế lực đen tối tham quan chỉ biết nịnh nọt vua rồi dựa thế vua mà làm càn. Chúng nhũng nhiễu nhân dân, bóc lột, vơ vét của cải của nhân dân. Sống trong môi trường đó, phải chịu cảnh thời thế thế thời đó là một thiệt thòi lớn đối với ông. Một con người cả đời trong sáng, liên khiết và bản lĩnh, ông chẳng khác nào đóa hoa sen trong bùn lầy, chẳng khác nào một thanh âm trong trẻo trong một bản nhạc luật hỗn tạp, xô bồ. Văn chương của ông cũng thể hiện phần nào con người ông, qua bài thơ Nhàn – một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông ta có thể nhận thấy được điều đó.
Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm có độ phổ biến với công chúng bạn đọc hết sức rộng lớn và sâu sắc, cũng nhờ từ triết lý nhân sinh quan vô cùng đúng đắn, chân thực mà nội dung bài thơ đem lại. Bài thơ được sáng tác trong giai đoạn nhà thơ cáo quan về ở ẩn. Không hề dễ dàng khi đưa ra quyế định này nhưng Nguyễn Bình Khiêm đã phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Ông là một nhà thơ, nhưng cũng là một người làm quan. Ông rất quan tâm đến vấn đề chính trị. Cả cuộc đời ông liêm khiết, hết lòng vì nước vì dân nhưng ông không đấu lại được với những bè phái với những ý đồ đen tối với đất nước, với nhân dân. Ông đã quá mệt mỏi và cần đến sự cân bằng. Ông cáo quan về ở ẩn cũng là do cái lý ấy
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dàu ai vui thú nào
Nguyễn Bình Khiêm là một bậc trí nhân, đối với ông, chữ "nhân" chữ "trung", chữ "tín", chữ “nghĩa” là đáng quý vô cùng. Nhưng ông cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng, hơn thế nữa nhân tình thế thái, nhân sinh quan ông cũng thấu hiểu vô cùng. Chính vì vậy, việc cáo quan về ở ẩn, từ một cuộc sống giàu sang phú quý về với cảnh điền viên, ông đều có cách suy nghĩ cả. Mỗi ý tứ trong tác phẩm này của ông không chút thừa thãi, tất cả đều đáng suy ngẫm vì nó ẩn chứa triết lý sống vô cùng cao đẹp.
Hai câu mở đầu liệt kê hàng loạt những công cụ gắn bó với đời sống của người nông dân, cái mai để đào mương, cái cuốc để làm vườn, làm ruộng, cái cần câu để câu cá. Nguyễn Bình Khiêm về với đồng quê và ông cũng hòa nhập với nếp sống sinh hoạt ở nơi đây. Ông cũng lao động và có những thú vui bình dị “câu cá” như nhiều lão nông khác. Điều đặc biệt trong hai câu thơ là từ láy “thơ thẩn” được chuyển hóa ý tứ trong cùng một tứ thơ “dầu ai” cho thấy cảm nhận hiện tại về cuộc sống đó của nhân vật trữ tình. Nhà thơ dường như rất bằng lòng với cuộc sống nơi thôn dã với cuộc sống lao động bình dị và chất phác này. Cuộc sống tuy có chút vất vả nhưng đổi lại lại thấy được sự an nhiên trong tâm hồn mình. Hai câu thơ còn có một ý tứ rất sâu xa, đó là cuộc tìm kiếm chân lý đích thực của cuộc sống của nhân vật trữ tình
Tiếp nối mạch thơ là hai câu thực, Nguyễn Bình Khiêm có sự chia sẻ ngắn gọn súc tích nhưng lại có ý nghĩa rộng lớn vô cùng:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Ở đây ta thấy rõ được sự đối lập giữa các sự vật trong hai câu thơ. “Nơi vắng vẻ” là chốn thôn quê thanh bình, an nhiên còn “chốn lao xao” là nơi quan trường với những đua tranh ghen ghét của danh lợi, khiến con người sống mà không bao giờ có được sự thanh thản trong tâm hồn. Vậy thế nào là sự lựa chọn dại – khôn. Thế nào là dại mà thế nào là khôn, dại dại khôn khôn âu cũng là cái sự lựa chọn của mỗi người. Còn Nguyễn Bình Khiêm, ông chọn cho mình cái “dại”, ông cũng tự nhận ông là dại nhưng cũng vì đã nếm trải cuộc sống chốn quan trường rồi, nếm đủ mùi rồi nên ông bằng lòng, hoàn toàn thuận lòng với sự lựa chọn này, mặc dù bị người đời nói là kẻ dại. Câu thơ nhẹ nhàng mà mang ý tư châm biếm sâu cay, sự châm biếm chĩa vào lũ tham quan chỉ biết lao đầu vào tham vọng, vào vòng danh lợi, không biết đến thế nào là sự hưởng thụ đích thực, không biết được thế nào là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đó chính là sự “nhàn” trong tâm hồn mà Nguyễn Bình Khiêm mong muốn, “nhàn” ở đây chính là cuộc sống thanh cao, tránh xa vòng danh lợi.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Người ta hưởng thụ là đắm chìm trong vinh hoa tửu sắc, Nguyễn Bình Khiêm lại hưởng thụ bằng việc hòa mình với thiên nhiên đất trời. Cuộc sống chốn trần ai là lao động để duy trì sự sống. Vừa lao động vừa hưởng thụ, lao động cộng hưởng cùng sự hưởng thụ. Và sau thời gian lao động vất vả thì lại được cùng hòa mình với thiên nhiên đất trời, sống như một kẻ đạo sỹ thoát tục. Cuộc sống bình yên không vướng chút bụi trần. Cuộc sống của ông ý nghĩa vô cùng, chính vì thế mà Nguyễn Bình Khiêm mới đưa ra được những điều chiêm nghiệm sâu cay:
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Dùng điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bình Khiêm nói lên thái độ sống dứt khoát với vòng danh lợi, tiền tài, vật chất trên đời. Sống trên cõi đời đủ lâu để ông đưa ra chiêm nghiệm của mình thế nào là cuộc sống đích thực, thế nào là ý nghĩa của cuộc sống. Phú quý, vinh hoa tất cả cũng chỉ là hư vô vì khi mất đi con người cũng hóa cả vào cát bụi. Con người ta sống trên đời phải biết nhìn nhận thực tiễn mọi vấn đề, phải sống làm sao cho ra sống, cho đáng sống. Đó mới là điều đáng quý. Mọi sự trên đời rồi đều cũng thành phù du. Đừng để cái kiểu bia để miệng, tiếng để đời
Bài thơ Nhàn như một lời tâm tình đặc biệt mà Nguyễn Bình Khiêm muốn dành cho cuộc đời. Với quan niệm triết lý nhân sinh quan sâu sắc này, ông muốn hướng cho con người trong cuộc đời đến với cái tâm, cái tầm trong sáng và cao quý. Tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống.
Minh